• English
  • Tiếng Việt

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU Y TẾ CÔNG CỘNG VÀ HỆ SINH THÁI
CENTER FOR PUBLIC HEALTH AND ECOSYSTEM RESEARCH
CENPHER


 

Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm liên quan tới thịt lợn tại Việt Nam và một số giải pháp giảm thiểu nguy cơ

Hai báo cáo nghiên cứu mới công bố vào tháng 2/2017 cho thấy thịt lợn tại một số tỉnh ở Việt Nam thường mang vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Gánh nặng sức khỏe mà các mối nguy sinh học gây ra lớn hơn nhiều so với gánh nặng do các mối nguy từ hóa học mang lại. Các báo cáo cũng chỉ ra việc đảm bảo nguồn thịt lợn an toàn cho tiêu dùng là hoàn toàn khả thi. Hai báo cáo thuộc khuôn khổ dự án ‘Giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm của chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam’ được Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, và do Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER) thuộc Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và một số đối tác khác đồng triển khai.

Quầy bán thịt lợn tại các chợ truyền thống tại tỉnh Hưng Yên (ảnh: ILRI/HUPH/Trần Ngân)

Hai nghiên cứu được triển khai tại Hưng Yên và Nghệ An nhằm đánh giá về mức độ an toàn của thịt lợn bán tại các chợ truyền thống. Nhiều mẫu thịt lợn được phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella và các loại vi khuẩn khác có nguy cơ gây bệnh cho con người. Các nghiên cứu viên cũng tìm thấy dư lượng thuốc kháng sinh trong các mẫu thịt lợn. Điều này làm cho gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong điều trị trên người và động vật. Tuy nhiên, ở một góc độ tích cực, các nghiên cứu cũng chỉ ra hàm lượng các kim loại nặng/á kim như asen, cadimi, chì và thủy ngân trong các mẫu thịt lợn đều nằm trong giới hạn cho phép.

Nghiên cứu ‘Đánh giá phơi nhiễm với các mối nguy hóa học trong thịt lợn, gan, thận và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người tại Hưng Yên và Nghệ An, Việt Nam’ đã báo cáo kết quả phân tích hàm lượng tồn dư thuốc kháng sinh và kim loại nặng trong 514 mẫu, gồm mẫu thức ăn chăn nuôi lợn, thịt lợn, gan và thận được thu thập từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 1 năm 2015. Trong số các mẫu thức ăn chăn nuôi lợn thu thập đã tìm thấy dư lượng các loại thuốc kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi như tetracyclines, fluoroquinolones và sulfonamid. Các mẫu thịt, gan lợn và thức ăn chăn nuôi cũng có kết quả dương tính đối với hóa chất cấm beta-agonists. Chì được tìm thấy trong 28% mẫu thịt lợn, nhưng với hàm lượng thấp hơn giới hạn dư lượng tối đa cho phép và không tìm thấy dư lượng asen và cadimi trong các mẫu thịt này. Đây là những hoá chất độc hại nhưng thường không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ người tiêu dùng nếu hàm lượng trong thịt thấp hơn dư lượng tối đa cho phép.

Trong nghiên cứu này, các nghiên cứu viên đề xuất một chiến lược truyền thông nguy cơ, trong đó cần công bố các hàm lượng hóa học nằm trong ngưỡng cho phép tìm thấy trong thức ăn chăn nuôi lợn và thịt lợn được lấy mẫu, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về những nguy cơ thực sự do việc tiêu thụ thịt lợn bị nhiễm Salmonella và các vi khuẩn khác gây ra.

Thịt lợn được nấu nướng hàng ngày tại các hộ gia đình ở Việt Nam (ảnh: ILRI/HUPH/Trần Ngân)

Nghiên cứu ‘Đánh giá định lượng nguy cơ nhiễm Salmonella ở người trong chuỗi sản xuất thịt lợn quy mô nông hộ ở khu vực thành thị Việt Nam’ đưa ra kết quả định lượng về nguy cơ lây nhiễm Salmonella từ quá trình tiêu thụ thịt lợn được nấu chín tại Hưng Yên, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuỗi sản xuất lợn quy mô nông hộ. Nghiên cứu này được coi là một trong rất ít kết quả công bố quốc tế về đánh giá định lượng nguy cơ nhiễm vi sinh vật từ thực phẩm ở Việt Nam.

Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 2 năm 2015, các nghiên cứu viên đã phân tích 302 mẫu (thu thập từ sàn chuồng lợn, thịt lợn tại lò mổ và thịt lợn tại chợ) thông qua sử dụng mô hình đánh giá định lượng nguy cơ vi sinh vật (QMRA). Nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ dương tính với Salmonella trong các mẫu thu thập là 33% trong số mẫu được lấy từ sàn chuồng lợn, 42% mẫu thịt lợn tại lò mổ và 44% mẫu thịt lợn tại chợ. Từ kết quả nghiên cứu, ước tính trung bình trong một năm, người tiêu thụ thịt lợn tại Hưng Yên có xác suất bị lây nhiễm Salmonella từ việc ăn thịt lợn luộc là 18%.

Trong báo cáo, các nghiên cứu viên đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm cải thiện các thực hành ở chợ truyền thống và tại hộ gia đình, cũng như các biện pháp khác nhằm nâng cao tính an toàn của thịt lợn. Những biện pháp này đang được một dự án nghiên cứu mới (có tên tiếng Anh là SafePORK) do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) triển khai, cùng phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị nghiên cứu, các công ty tư nhân và các cơ quan hữu quan như Nhóm Hành động Đánh giá Nguy cơ An toàn Thực phẩm ở Việt Nam.

Trong khi “loại bỏ hoàn toàn nguy cơ” không phải là một lựa chọn tối ưu, thì cần duy trì các phương pháp giảm thiểu nguy cơ đem lại hiệu quả cao hoặc đưa ra các nguyên tắc thực hành cơ bản về an toàn thực phẩm từ quá trình chăn nuôi lợn, đến chế biến, bày bán, nấu nướng và tiêu thụ thịt lợn, nhằm hạn chế các nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella và đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi cho lợn không chứa các chất hoá học bị cấm.

Các nghiên cứu viên, các nhà truyền thông và giới chức trách cần phải thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông tới người tiêu dùng, các hộ kinh doanh, người chăn nuôi và các nhà hoạch định chính sách về thực trạng nguy cơ an toàn thực phẩm và cách thức quản lý các mối nguy đó một cách hiệu quả và thực tế nhất.

Tham khảo thêm các bài báo nghiên cứu

Exposure assessment of chemical hazards in pork meat, liver, and kidney, and health impact implication in Hung Yen and Nghe An provinces, Vietnam, thực hiện bởi Trần Thị Tuyết Hạnh (Đại học Y tế công cộng, Hà Nội), Đăng Xuân Sinh (CENPHER, Hà Nội), Phạm Đức Phúc (CENPHER), Trần Thị Ngân (CENPHER), Chử Văn Tuất (Trung tâm Vệ sinh Thú y Trung ương 1-Cục Thú y), Delia Grace (ILRI), Fred Unger (ILRI) và Nguyễn Việt Hùng (ILRI), International Journal of Public Health, Tháng 2/2017, Volume 62, Supplement 1, trang 75–82.

Quantitative risk assessment of human salmonellosis in the smallholder pig value chains in urban of Vietnam, thực hiện bởi Đặng Xuân Sinh (CENPHER, Hà Nội), Nguyễn Việt Hùng (ILRI), Fred Unger (ILRI), Phạm Đức Phúc (CENPHER), Delia Grace (ILRI), Trần Thị Ngân (CENPHER), Max Barot (ILRI), Phạm Thị Ngọc (Viện Thú y, Hà Nội) và Kohei Makita (ILRI và Đại học Rakuno Gakuen, Nhật Bản), International Journal of Public Health, Tháng 2/2017, Volume 62, Supplement 1, trang 93–102.

 

Các tài liệu liên quan
Tham khảo các tài liệu liên quan về Dự án PigRisk (‘Giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm của chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam’).

Hoặc truy cập trang web PigRisk wiki site.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Fred Unger - Nghiên cứu viên cao cấp, ILRI: f.unger@cgiar.org