• English
  • Tiếng Việt

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU Y TẾ CÔNG CỘNG VÀ HỆ SINH THÁI
CENTER FOR PUBLIC HEALTH AND ECOSYSTEM RESEARCH
CENPHER


 

Hội thảo báo cáo kết quả dự án PigRISK tại Nghệ An và Hưng Yên

Trong hai ngày 28/4 và 5/5/2017, Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện dự án Giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam” (PigRISK),  đã được tổ chức tại hai tỉnh Nghệ An và Hưng Yên. 

Dự án PigRISK được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và được đồng triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER) thuộc Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI).

Thành phần tham dự hôi thảo bao gồm đại diện các cơ quan nông nghiệp, y tế và an toàn thực phẩm (ATTP) các cấp tại Nghệ An và Hưng Yên, đại diện nhà tài trợ ACIAR, cũng như đại diện các tác nhân trong chuỗi sản xuất giá trị thịt lợn quy mô nông hộ như người chăn nuôi, giết mổ, người bán lẻ và hộ tiêu dùng.

Ảnh 1. Các đại biểu tham dự Hội thảo Báo cáo kết quả dự án tại Nghệ An (nguồn: nguồn: nhóm nghiên cứu PigRisk - Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Trong chương trình hội thảo, các nhóm nghiên cứu đã báo cáo các kết quả chính đạt được của dự án trong thời gian triển khai từ tháng 6/2012 đến tháng 5/2017 trên địa bàn nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm như nguy cơ lây nhiễm vi sinh - Salmonella, kim loại nặng và dư lượng kháng sinh; yếu tố nguy cơ lây nhiễm và khả năng lây nhiễm chéo trong các tác nhân trong chuỗi; nguy cơ sức khoẻ vật nuôi.

Báo cáo cho thấy các hộ chăn nuôi nhỏ thường đối mặt với nguồn vốn chăn nuôi hạn chế và sự biến động của thị trường đầu vào (giống, thức ăn, thuốc và vắc xin) và đầu ra (giá cả và nhu cầu thị trường). Người chăn nuôi cũng gặp rủi ro do dịch bệnh trên đàn lợn nuôi (như bệnh lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng), và hạn chế về nâng cao an toàn sinh học cũng như quản lý, chăm sóc đàn lợn mới sinh.

Kết quả đánh giá nguy cơ vi sinh vật đối với Salmonella, ước tính trung bình 10-15% cộng đồng có nguy cơ mắc tiêu chảy do tiêu thụ thịt lợn bị ô nhiễm Salmonella. Các yếu tố gây ô nhiễm Salmonella trong chuỗi đáng lưu ý là vấn đề điều kiện và thực hành vệ sinh của các tác nhân trong chuỗi sản xuất, như nước uống cho lợn tại hộ chăn nuôi, nước rửa thân thịt tại lò mổ, hay sự phân tách khu sạch và khu bẩn trong quá trình giết mổ, mức giữ vệ sinh sạch đối với mặt bàn, thớt sử dụng tại quầy bán thịt. Liên quan đến việc tuân thủ quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 41% số người làm công tác giết mổ được phỏng vấn biết về các chính sách giết mổ, và chỉ có 20% biết về các thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình đánh giá nguy cơ chỉ ra thực hành vệ sinh tại hộ gia đình (như sử dụng chung dao, thớt, vệ sinh tay và dụng cụ chế biến thực phẩm,) cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm chéo vi sinh vật (Salmonella) giữa thực phẩm sống và chín.

Ngoài ra, kết quả về đánh giá nguy cơ hóa học trong chuỗi sản xuất thịt lợn cho thấy sự có mặt của một số chất cấm như Chloramphenicol, Salbutamol ,và một số kim loại nặng như chì, cadimi được phát hiện trong mẫu cám bao, gan và thận lợn. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành năm 2011, giới hạn ô nhiễm tối đa cho phép của cadimi trong thịt lợn là 0,05mg/kg; trong gan lợn là 0,5mg/kg, trong thận lợn là 1mg/kg, giới hạn ô nhiễm chì trong thịt lợn là 0,1mg/kg; phụ phẩm của lợn là 0,5mg/kg. Tuy nhiên, hàm lượng các chất tìm thấy trên các mẫu trong nghiên cứu này đều ở dưới ngưỡng giới hạn tối đa cho phép. 

Ảnh 2. Thảo luận nhóm các đại biểu tại Hội thảo tổ chức tại Hưng Yên (nguồn: nhóm nghiên cứu PigRisk - Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Qua các kết quả báo cáo, các nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao thực hành vệ sinh để giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến ATTP. Các nhóm nghiên cứu khuyến nghị các tác nhân trong chuỗi cần nâng cao thực hành và kiến thức về vệ sinh chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu dùng, nhằm đảm bảo tốt hơn ATTP.

Các đại biểu đánh giá cao kết quả của dự án với nội dung cụ thể và thiết thực, phản ánh tình hình thực tế về ATTP trên địa bàn nghiên cứu. Các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp nhằm cải thiện ATTP đối với chuỗi sản xuất thịt lợn quy mô nông hộ, trong đó đưa ra những nhận định về những điểm khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, tính bền vững và khả thi của những giải pháp này. Những đóng góp, ý kiến bổ sung, đề xuất từ thảo luận đã được các nhóm nghiên cứu dự án ghi nhận để có thể lồng ghép và bổ sung cho dự án sắp tới, là một phần tiếp nối của dự án PigRISK, dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 9/2017. 

Thông tin tham khảo thêm:

https://pigrisk.wikispaces.com/

http://bnews.vn/giam-benh-tat-va-cai-thien-an-toan-thuc-pham-trong-chan-nuoi-lon/42763.html

http://www.baomoi.com/giam-benh-tat-va-cai-thien-an-toan-thuc-pham-trong-chan-nuoi-lon/c/22137262.epi

http://m.tienphong.vn/xa-hoi/thuc-pham-ban-tai-viet-nam-do-lay-nhiem-vi-sinh-1144735.tpo