• English
  • Tiếng Việt

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU Y TẾ CÔNG CỘNG VÀ HỆ SINH THÁI
CENTER FOR PUBLIC HEALTH AND ECOSYSTEM RESEARCH
CENPHER


 

Tăng cường niềm tin vào chất lượng và sự an toàn của thực phẩm tại Việt Nam

An toàn thực phẩm hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của công chúng tại Việt Nam. Các sự cố nhiễm bẩn thực phẩm và sự gia tăng bệnh tật có nguồn gốc từ thực phẩm đã làm sụt giảm lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm, đồng thời gia tăng sự nghi ngại giữa các bên tham gia chuỗi giá trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các nông hộ quy mô nhỏ.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình nêu trên, Đại sứ quán Bỉ, Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng niềm tin vào mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn trong sản xuất quy mô nhỏ”'vào ngày 4 tháng 7 năm 2017 tại Trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội.

 

Các đại biểu tham gia hội thảo (ảnh Nguyễn Thị Quỳnh Chi/ILRI)

Hội thảo hướng tới nâng cao kiến ​​thức về an toàn thực phẩm và tìm hiểu các nguồn lực hỗ trợ cho các mạng lưới cung cấp thực phẩm an toàn để nhằm nâng cao năng lực và tăng quyền cho các nông hộ nhỏ trong bối cảnh sụt giảm niềm tin từ phía người tiêu dùng.

Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, người tiêu dùng và các phương tiện truyền thông.

Trong bài diễn văn khai mạc, bà Bùi Thị Thu Hà, hiệu trưởng của HUPH nhấn mạnh xu hướng toàn cầu hoá và cạnh tranh gia tăng như hiện nay đang gây áp lực lớn cho các hộ nông hộ nhỏ, yêu cầu họ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. 

GS. TS. Bùi Thị Thu Hà - hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng phát biểu tại hội thảo (ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh Chi/ILRI)

Theo ông Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược về Nông nghiệp ) thì xu hướng này ngày càng gia tăng ở Việt Nam do sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu mới nổi. Người tiêu dùng tìm đến siêu thị và các cửa hàng tiện ích để tìm kiếm thực phẩm an toàn và chất lượng tốt hơn. Trên thực tế, số lượng siêu thị tại Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm qua, từ 47 siêu thị vào năm 2007 lên 1.035 vào năm 2017.

Thực tế, nông hộ nhỏ gặp rất nhiều khó khăn để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn thực phẩm hiện nay. Chuyên gia phát triển nông thôn Võ Thanh Sơn của Ngân hàng Thế giới cho biết do khách hàng đòi hỏi ngày càng cao nên người nông dân quy mô nhỏ muốn tiêu thụ được sản phẩm thì buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp thường được thiết kế dành cho các nhà sản xuất quy mô lớn. Một ví dụ là các hộ nông hộ nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu vào vì các công ty thức ăn chăn nuôi hướng tới cung cấp sản phẩm cho các trang trại quy mô lớn. Hơn nữa, sự hạn chế tiếp cận công nghệ thông tin cũng cản trở khả năng tiếp cận thông tin thị trường của các nông hộ nhỏ.

Tại hội thảo, các tổ chức dân sự cấp cơ sở đã giới thiệu một số mô hình tốt nhằm tăng cường lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của nông hộ nhỏ, như hệ thống bảo đảm có sự tham gia trong sản xuất rau an toàn (PGS). PGS là một hệ thống kiểm soát chất lượng được phát triển bởi Liên đoàn Quốc tế về Cải cách Nông nghiệp Hữu cơ. Các bên liên quan - đặc biệt là các nhà sản xuất và người tiêu dùng - tham gia để đảm bảo chất lượng của sản phẩm phẩm. PGS có chi phí vừa phải, phù hợp với nông hộ nhỏ, dễ áp dụng và có thể thu hút được niềm tin từ phía người tiêu dùng.

Một phiên thảo luận tại hội thảo (ảnh Nguyễn Thị Quỳnh Chi/ILRI) 

Ông Nguyễn Việt Hùng, trưởng đại diện ILRI khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh Việt Nam cần cân nhắc việc nên áp dụng lộ trình của các nước phát triển trong đó tập trung mở rộng hệ thống siêu thị và dần dần xoá bỏ mô hình thị trường truyền thống hay nên củng cố hoạt động sản xuất quy mô hộ nhỏ và thị trường truyền thống đi đôi với mở rộng hệ thống siêu thị và sản xuất quy mô lớn.

Trong bài diễn văn bế mạc, bà Jehanne Roccas, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho biết "Tôi tin rằng những nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam là một phần không thể thiếu trong nền văn hoá Việt Nam. Nếu họ nhận được sự ủng hộ đúng đắn, họ sẽ thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tính đa dạng và linh hoạt giúp nông dân quy mô nhỏ thích nghi được với thế giới đang có nhiều sự đổi thay”.

Hội thảo là một nỗ lực của Nhóm làm việc về An toàn Thực phẩm tại Việt Nam, bao gồm đại diện của đại sứ quán Bỉ và Canada tại Việt Nam, chính phủ Úc, FAO, HUPH, ILRI và Ngân hàng Thế giới cùng một số đối tác khác.

Chủ đề của hội thảo dựa trên một trong những khuyến nghị trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về quản lý các nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam: những thách thức và cơ hội được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 3/2017. 

Nguồn Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI)